Dịch COVID-19 là cơ hội để doanh nghiệp Việt tái cấu trúc

Nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Hàng ngàn doanh nghiệp, trường học phải đóng cửa; hàng trăm các nhà máy, công xưởng bị tạm ngưng hoạt động, mọi giao thông vận tải đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khó khăn là thời cơ đẩy mạnh tái cấu trúc của doanh nghiệp. 

Dịch COVID-19 tác động tiêu cực, toàn diện với kinh tế Việt Nam 


Theo kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho thấy nếu Covid-19 tiếp tục kéo dài 6 tháng, có đến 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Trong đó, gần 30% doanh nghiệp mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng...


Cũng theo công bố báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế-xã hội Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 12/2, GDP được dự báo sẽ giảm xuống chỉ còn 5,96% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II, so với mục tiêu đặt ra trước đó cho cả năm là 6.8%.


Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng đến kinh tế Việt Nam


Đánh giá về ảnh hưởng của Dịch COVID-19 với nền kinh tế Việt Nam, bà Nguyễn Việt Hoà - CEO Công ty dây sợi Asia Dragon cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, các ngành sản xuất như may mặc, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô…là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hầu hết các nguyên nhiên vật liệu, phụ trợ, phụ tùng, hay thiết bị đầu vào cho quá trình sản xuất được nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. 


Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản cũng bị ảnh hưởng do phần lớn chúng ta xuất khẩu sang các nước kể trên là chính. 


"Khi nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không là ngoại lệ, riêng với lĩnh vực kinh doanh dây thừng và sợi nông nghiệp, khách hàng cũng bắt đầu chia sẻ về sản lượng sụt giảm do người dùng cuối bị ảnh hưởng trực tiếp." 


"Đại dịch COVID-19 không chỉ Việt Nam nói riêng mà cả toàn cầu đều bị ảnh hưởng vì mọi con đường giao thương đều bị chặn đứng do lo sợ sự lây nhiễm lan nhanh của COVID-19" - Bà Hòa chia sẻ.


Mọi người đều mong chờ “tiên dược” sẽ được tìm ra, những người mắc bệnh sẽ được cứu chữa, tâm lý ổn định hoạt động kinh doanh sẽ được ổn định lại mặc dù tính đến thời điểm này, mức độ thiệt hại không phải là nhỏ.


Ngày nào chưa tìm được phương pháp điều trị dứt điểm thì mức độ nghiêm trọng sẽ tăng lên rất nhiều, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, hệ lụy sẽ kéo theo và tệ nạn xã hội sẽ leo thang khi khó khăn chồng chất khó khăn, đạo đức xã hội sẽ bị ảnh hưởng, mức độ phân hóa sẽ càng cao.


"Tâm lý nhân sự giữa mùa dịch luôn không ổn định vì lo sợ đại dịch lan nhanh, lo cho mình, cho người thân. Trong khi doanh nghiệp nào có người mắc bệnh thì doanh nghiệp đó sẽ bị khoanh vùng giám sát dẫn đến mức độ rủi ro trong việc trả hàng không đúng hạn, thậm chí phải bồi thường. Tiền đầu tư không thể thu hồi vốn, không sinh lời dẫn đến  phá sản. Rất mong các nhà nghiên cứu sớm tìm được giải pháp trị liệu" - Bà Hòa cho biết thêm.

Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì để ứng phó?


So với ảnh hưởng của dịch cúm SARS, mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đáng sợ hơn nhiều, có thể phải nói lớn hơn gấp 5 gấp 10 lần. Các nhà khoa học đã phân tích các chỉ số lây nhiễm và nghiêm trọng của 2 đại dịch này dựa trên số liệu nhiều thập kỷ qua.



Bà Nguyễn Việt Hoà - CEO Công ty dây sợi Asia Dragon


Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn lần này, có những điều mà chúng ta cần phải làm ngay. Thứ nhất là doanh nghiệp cần phải cập nhật thông tin thường xuyên để nắm bắt diễn biến của đại dịch, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.


Thứ hai là, doanh nghiệp cần phải phối hợp với khách hàng, đối tác chia sẻ các thông tin thuận lợi khó khăn để cùng phối hợp tháo gỡ và chia sẻ rủi ro nếu có và cùng vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.


Diễn biến xấu nhất là việc ngưng sản xuất kinh doanh thì phải báo trước cho các bên liên quan và cùng tìm giải pháp hỗ trợ để không dẫn đến khủng hoảng.


“Chưa bao giờ doanh nghiệp cần đến sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh mẽ như bây giờ. Cần nhìn chung về 1 mục tiêu là bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường trước thay vì chỉ nghĩ cho cá nhân, xâm lấn, lợi dụng cơ hội để làm lợi mà bỏ mặc đồng loại. Đây cũng là thời điểm tốt để ưu tiên “Người Việt dùng hàng Việt”, tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp trong nước bình ổn và dòng tiền không bị lưu chuyển đi nước ngoài. 


Nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, giảm thuế, tạo điều kiện hỗ trợ kinh doanh và nâng dịch vụ công lên mức cao nhất có thể; truyền thông mạnh mẽ và sẵn sàng ứng phó 24/24”, bà Hòa nhấn mạnh.